PTN Trọng điểm CN Micro và Nano đưa sản phẩm KH-CN tham gia Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ Trọng điểm cấp Nhà nước
PTN Trọng điểm CN Micro và Nano đưa sản phẩm KH-CN tham gia Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ Trọng điểm cấp Nhà nước "Khoa học và Công nghệ phục vu phát triển bền vững vùng Tây Bắc" tổ chức tại Đại học Quốc Gia Hà Nội
Sáng ngày 23/7/2020, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước "Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc". Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tới dự và chủ trì hội nghị. Cùng với đó, hội nghị cũng có sự tham gia của đồng chí Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN
PTN Trọng điểm Công nghệ Micro và Nano vinh dự được tham gia đóng góp sản phẩm KH-CN vào gian hàng triển lãm của Đại học Quốc gia Hà Nội. Qua đây, đã thể hiện rõ được năng lực phát triển các sản phẩm ứng dụng thực tế bên cạnh những nghiên cứu cơ bản của PTN. Hai sản phẩm "Bộ thu tín hiệu truyền hình vệ tinh di động sử dụng trên tàu biển" và "Thiết bị sát khuẩn tay tự động" thu hút được rất nhiều sự quan tâm của khách thăm quan trong triển lãm.
Chương trình “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y và Bộ KH&CN giao ĐHQGHN là cơ quan chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2013-2018 theo Quyết định số 1746/QĐ-BKHCN ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.
Chương trình được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đến 30/6/2020 theo Quyết định số 1044/QĐ-BKHCN ngày 26/4/2018 của Bộ KH&CN nhằm tập trung đánh giá hiệu quả, tác động của các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án thuộc Chương trình đã triển khai giai đoạn 2013-2018; đánh giá tác động, sự phối hợp và liên kết giữa Chương trình Tây Bắc với các Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Chương trình mục tiêu khác của nhà nước cùng đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc; đánh giá và lựa chọn một số kết quả, sản phẩm của Chương trình Tây Bắc để kiến nghị, đề xuất chuyển giao cho các đơn vị sử dụng hoặc kết nối cung - cầu; đề xuất luận cứ khoa học, thực tiễn, định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển bền vững (PTBV) vùng Tây Bắc giai đoạn 2021-2025.
Chương trình có bốn mục tiêu cơ bản sau đây:
1.Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ điều chỉnh, xây dựng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.
2. Đề xuất các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế phù hợp cho một số tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Bắc.
3. Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.
4. Xác định nhu cầu đào tạo và đề xuất giải pháp phù hợp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.
Chương trình Tây Bắc đã thực hiện các nội dung:
1. Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, cơ sở khoa học, mô hình phát triển bền vững vùng Tây Bắc
2. Nghiên cứu cơ sở khoa học của các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho các tiểu vùng và liên vùng Tây Bắc
3. Nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, thông tin, văn hóa, xã hội
4. Nghiên cứu xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc
Một số hình ảnh sản phẩm của Phòng thí nghiệm trong triển lãm