Phòng thí nghiệm tham gia triển lãm tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022

Ngày 10/12/2022, PTN VMINATEC đã tham gia triển lãm tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, tại Khu đô thị ĐHQGHN ở Hòa Lạc.

     Hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay có quy mô tới 10.000 người tham dự nhằm giới thiệu, thu hút các nguồn lực và kêu gọi đầu tư cho các hoạt động xây dựng, giảng dạy và nghiên cứu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mô hình đô thị đại học “5 trong 1”. Đồng thời là dịp để ĐHQGHN giới thiệu về các dự án hợp tác công tư cũng như khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho các loại hình đầu tư. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ đã tham gia triển lãm trưng bày 22 sản phẩm có khả năng chuyển giao và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực xã hội.

     Trong khuôn khổ hội nghị, ngoài các hội nghị, hội thảo chuyên đề còn diễn ra các hoạt động: Triển lãm tiềm lực và thành tựu khoa học công nghệ, Không gian kết nối và xúc tiến đầu tư, Ngày hội kết nối các thế hệ sinh viên ĐHQGHN.

     Tại gian trưng bày của hoạt động “Triển lãm tiềm lực và thành tựu khoa học công nghệ”, các sản phẩm của Trường ĐH Công nghệ chia ra thành 04 nhóm cụ thể là nhóm sản phẩm Công nghệ thông tin; Tự động hóa, máy móc phụ trợ; Kỹ thuật công nghệ và kinh tế biển; Nông nghiệp. Ngoài sản phẩm trưng bày tại gian trại, Hội nghị còn diễn ra hội thảo với 1 phiên toàn thể và 05 phiên chuyên đề song song với các nội dung về Xúc tiến đầu tư; Nông nghiệp công nghệ cao và Phát triển bền vững; Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo; Y học và Khoa học sức khỏe; Hội thảo “Thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”.

Một số hình ảnh tại triển lãm.

PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN tham quan gian trưng bày của Trường ĐH Công nghệ

     Trường ĐH Công nghệ với các báo cáo và sản phẩm trong các phiên chuyên đề Nông nghiệp công nghệ cao và Phát triển bền vững; Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đã cho thấy sự góp phần của Nhà trường vào việc phát triển các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo cho ĐHQGHN nói riêng, xã hội nói chung. Phiên chuyên đề Nông nghiệp công nghệ cao và Phát triển bền vững dưới sự chủ trì của GS.TS. Lê Huy Hàm – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ nông nghiệp và báo cáo của TS. Phạm Minh Triển – Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ nông nghiệp về “Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng” đã khẳng định nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay đã có những bước phát triển thay đổi cuộc sống của người dân. Với sự biến đổi khí hậu, gia tăng dân số… việc ứng dụng công nghệ giúp gia tăng sản lượng, chất lượng trong nông nghiệp là điều thiết yếu. Nhu cầu ứng dụng công nghệ vào trong nông nghiệp ngày càng cao. Trong những năm qua, ĐHQGHN dần gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp bằng những việc làm trực tiếp hơn, khi Khoa Công nghệ nông nghiệp được thành lập tại Trường ĐH Công nghệ. Đến nay, các mô hình hướng nghiên cứu chủ yếu ở Khoa là mô hình trồng trọt công nghệ cao và hệ thống nông nghiệp thông minh điển hình.

 GS.TS. Lê Huy Hàm – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ nông nghiệp chủ trì chuyên đề Nông nghiệp công nghệ cao và Phát triển bền vững

TS. Phạm Minh Triển – Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ nông nghiệp báo cáo về “Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng”

     Để làm được việc giám sát môi trường, dự báo sâu bệnh, tự động tưới hiệu quả, phân tích dữ liệu đối với cây trồng nâng cao sản lượng và chất lượng, Khoa đã ứng dụng công nghệ cao vào các sản phẩm như công nghệ cảm biến, các thiết bị bay, robot…  và đây là những thế mạnh của Trường ĐH Công nghệ khi có sự gắn kết, nghiên cứu liên ngành giữa các Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, Khoa Điện tử viễn thông.

TS. Lê Quang Minh – Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu của Trường ĐH Công nghệ tại chuyên đề “Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đã cho thấy sự góp phần của Nhà trường vào việc phát triển các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo cho ĐHQGHN nói riêng, xã hội nói chung”.

    Ngoài việc góp phần đưa ĐHQGHN gắn chặt với sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trường ĐH Công nghệ cũng có nhiều sản phẩm đóng góp vào sự phát triển trong lĩnh vực Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Những sản phẩm tiêu biểu được ứng dụng trong thực tiễn và có khả năng chuyển giao như Robot lễ tân, Bản đồ số được triển khai tại Hòa Bình, Hà Giang, Cà Mau trong việc xây dựng hệ thống bản đồ số với các thông tin kinh tế, xã hội…; Hệ thống phần mềm bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể đước triển khai tại Bảo tàng các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên); Hệ thống đánh giá, quản lý rủi ro và hỗ trợ xử lý sự cố an toàn thông tin, là sản phẩm từ đề tài cấp nhà nước; Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng tài liệu để cảnh báo đạo văn, nâng cao chất lượng của khóa luận, luận văn, luận án…; Hệ thống chẩn đoán ung thư dựa trên hình ảnh với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

    Phát biểu tại phiên chuyên đề Nông nghiệp công nghệ cao và Phát triển bền vững, GS.TS. Lê Quân – Giám đốc ĐHQGHN khẳng định, trong thời gian tới ĐHQGHN sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao dựa trên tiềm lực, thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao và nhóm nghiên cứu mạnh. ĐHQGHN nói chung và các đơn vị thành viên luôn trong tâm thế sẵn sàng triển khai nghiên cứu sản phẩm theo đặt hàng của doanh nghiệp. Qua các hoạt động của Hội nghị lần này, sẽ là dịp để kết nối giữa Nhà trường – Doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào mọi lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu của ĐHQGHN. Từ đó, Giám đốc ĐHQGHN mong muốn các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cùng các bộ/ban/ngành chung tay hoạch định chính sách để góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

     Một vài hình ảnh khác tại sự kiện:

Lượt xem: 51
Tác giả: Phương Linh
Bài tin liên quan
Tin tức
Tin đọc nhiều